Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa lọt top địa phương có BĐS được dự báo sôi động vào cuối năm 2021 HOT NEWS

By Hải Phát Land | 19/10/2021
Khi dịch bệnh Covid 19 được kiểm soát, thị trường bất động sản (BĐS) được kỳ vọng trở lại guồng giao dịch, thậm chí có đà tăng trưởng tốt hơn trước. Cùng nằm trong vành đai kinh tế Đông Bắc, BĐS tại Quảng Ninh và Bắc Giang sẽ trở thành tâm điểm thu hút nhà đầu tư phía Bắc cuối năm 2021 nhờ tác động của hạ tầng và khu công nghiệp.

BĐS Bắc Giang - “chiếc lò xo” bị nén chuẩn bị bật tăng

Là tỉnh thành bị “tấn công” đầu tiên trong làn sóng dịch Covid lần thứ 4, các kế hoạch giãn cách xã hội tại Bắc Giang đã tạo tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, dịch bệnh tại đây đã nhanh chóng được kiểm soát, đưa hoạt động sản xuất tại các nhà máy, khu công nghiệp nói riêng và trên toàn tỉnh Bắc Giang nói chung trở về trạng thái bình thường. 

Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác chống dịch, sự phát triển của hạ tầng, khu công nghiệp cùng với đó là quỹ đất dồi dào, giá cả phải chăng đã khiến Bắc Giang trở thành điểm đầu tư hấp dẫn.

Bắc Giang nằm trong Top 10 địa phương về thu hút FDI 6 tháng đầu năm 2021

Mặt khác, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng theo số liệu của Sở Kế hoạch Đầu tư Tỉnh này, trong 6 tháng đầu năm 2021, thu hút đầu tư tại Bắc Giang vẫn tăng so với cùng kỳ, đạt 746,87 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 4,5 lần. Trong đó, cấp mới 19 dự án trong nước với vốn đăng ký 1.482 tỉ đồng và cấp mới cho 10 dự án FDI với vốn đăng ký 601,1 triệu USD, gấp 2 lần. Bắc Giang đứng thứ 7 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI với các dự án quy mô khủng như dự án Công nghệ tế bào Quang điện JA Solar PV Việt Nam có vốn đăng ký 210 triệu USD và dự án Nhà máy Fukang Technology vốn đăng ký 293 triệu USD. 

Nhiều dự án bất động sản quy mô lớn tại Bắc Giang đã có kế hoạch ra hàng vào cuối năm 2021

Từ nay đến năm 2030, Bắc Giang được quy hoạch để trở thành Tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng vào năm 2030 với 29 khu công nghiệp và 66 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 6400 ha có hạ tầng đồng bộ đưa vào sử dụng để thu hút các dự án đầu tư với công nghệ hiện đại và hàng chục vạn chuyên gia nước ngoài đến làm việc.

Quảng Ninh - thị trường dẫn đầu trên đà vươn tầm cao mới

Thị trường bất động sản Quảng Ninh hiện đã bắt đầu trỗi dậy và bước vào "guồng quay" phát triển đi lên tầm cao mới. Theo kế hoạch, trong năm nay, Quảng Ninh sẽ dốc lực để đầu tư hoàn thiện 3 dự án trọng điểm gồm dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 với tổng vốn đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng, tạo lực đẩy cho bất động sản tại đây tăng giá. 

Để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm "đi trước một bước", Quảng Ninh đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa. Riêng 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn tỉnh ước đạt 39.292 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Tỉnh cũng xác định nguồn vốn đầu tư công vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 dự kiến gần 58.700 tỷ đồng. Riêng năm 2021, dự kiến vốn phân bổ gần 11.700 tỷ đồng.

Giới chuyên gia nhận định, với đà phát triển mạnh về kinh tế và nguồn vốn đầu tư tại Quảng Ninh, bất động sản tại Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả,...sẽ trở thành ngôi sao vụt sáng đón đầu bước phát triển mới tại địa phương này, thu hút nhà đầu tư bởi sức hút từ vị trí, hạ tầng, cơ hội kinh doanh.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mảnh ghép hoàn hảo để Quảng Ninh tăng tốc

Thanh Hóa - nơi bất động sản đón sóng hạ tầng

Ngoài Bắc Giang và Quảng Ninh, Thanh Hóa cũng là thị trường tiếp theo được giới chuyên gia dự báo sẽ nóng sốt chưa từng có vào Quý IV/2021, khi 3 tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam là Flamingo, Sungroup, Vingroup đồng loạt triển khai các siêu dự án có quy mô hơn 3.000 ha với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ USD,... Địa phương này cũng được xem là điểm đến đón sóng hạ tầng giao thông của nhiều nhà đầu tư. Thời gian tới, Thanh Hóa dự kiến sẽ có nhiều tuyến đường trọng điểm, có mức vốn đầu tư cao đi vào vận hành, như: đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông - Tây 4 đi cảng Nghi Sơn; đường giao thông nối TP Sầm Sơn với khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) hay đại lộ Đông - Tây thành phố Thanh Hóa, đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A... Mạng lưới giao thông đường bộ sẽ ngày càng dày đặc hơn, với 43 dự án giao thông có tổng vốn đầu tư gần 35 nghìn tỉ đồng đang được triển khai từ nay tới năm 2025.

Cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa đang được triển khai

Trong đó, cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa được xem là công trình trọng điểm. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, được khởi công vào đầu năm 2019 và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Con đường trọng điểm dài hơn 63km này chính là sợi dây giúp thu hẹp khoảng cách giữa Thanh Hóa với các với các đầu tàu kinh tế của cả nước.

Theo các chuyên gia, hạ tầng giao thông mở lối chính là bước đà để Thanh Hóa vươn mình trở thành cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển phía Bắc, mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư bất động sản nhanh chân.

Click lên đầu trang