Ngày nay, sàn gỗ được sử dụng khá phổ biến, dần thay thế các sản phẩm gạch lát men, gạch hoa,.. bởi những tính năng vượt trội như có khả năng điều hòa không khí, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, đồng thời tăng thêm vẻ sang trọng, hiện đại cho ngôi nhà. Nếu bạn đang chuẩn bị lát sàn gỗ cho ngôi nhà của mình, hãy cùng tìm hiểu những lỗi cơ bản khi lắp sàn gỗ, nguyên nhân xảy ra lỗi đó và biện pháp khắc phục để phòng tránh trong quá trình lắp đặt sàn nhé.
Sau một thời gian sử dụng, sàn gỗ có hiện tượng bị phồng rộp, gây mất thẩm mỹ |
Lỗi sàn gỗ bị phồng rộp là do khi lắp đặt sàn gỗ, thợ thi công không để khoảng cách giữa chân tường và mép sàn gỗ phù hợp. Vì thế, trong quá trình sử dụng, thời tiết thay đổi khiến sàn gỗ co vào hoặc nở ra dẫn đến hiện tượng phồng rộp trên bề mặt. Giải pháp xử lý lỗi này là tháo phần sàn bị phồng ra, cắt bớt đi sau đó lắp đặt lại. Lưu ý, khoảng cách phù hợp từ mép sàn gỗ tới chân tường là khoảng 10 - 12mm.
Ngoài ra, sàn gỗ để ngập nước quá lâu hay nước đổ thường xuyên mà không lau ngay sẽ bị ẩm và dẫn đến hiện tượng phồng rộp. Do đó, trong quá trình sử dụng lưu ý tránh để sàn gỗ tiếp xúc với nước, nếu nước đổ hãy nhanh chóng làm khô bằng khăn. Việc bảo quản sàn gỗ cũng có vai trò vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến tuổi thọ của sàn, nên cần lưu tâm đến vấn đề bảo quản sàn gỗ ngay từ những hành động nhỏ hàng ngày.
Sàn gỗ phát ra tiếng kêu là một trong những lỗi phổ biến mà rất nhiều gia đình gặp phải. Nguyên nhân có thể do chất lượng, kết cấu của ván sàn gỗ công nghiệp. Nhiều sàn gỗ không có lớp phủ sáp nến bên trên, bởi vậy sàn nhà không có được độ êm cần có và dễ phát ra tiếng động.
Sàn gỗ phát ra tiếng kêu là một trong những lỗi phổ biến mà rất nhiều gia đình gặp phải |
Đối với sàn gỗ công nghiệp thiếu lớp phủ sáp, hiện tượng sàn gỗ kêu có thể chỉ kéo dài một thời gian nên người sử dụng không cần quá lo lắng. Trong trường hợp sàn gỗ sử dụng lâu ngày có hiện tượng nói trên, người sử dụng có thể tham khảo một số cách xử lý như sau:
Cách 1: Dẫm chân lên phần sàn bị kêu để xác định đúng vị trí cần xử lý, sau đó, đổ bột phấn rôm xung quanh khe hở của miếng gỗ bị sự cố và tiếp tục dùng chổi quét phấn rôm cho đến khi bột phấn lấp đầy các khe hở của miếng gỗ (bột của phấn rôm có thể làm giảm ma sát chuyển động giữa các thanh gỗ đó). Với phần phấn còn đọng lại trên sàn, dùng khăn ẩm lau sạch, không nên sử dụng máy hút bụi.
Cách 2: Dùng vam đặt tại mặt cắt của thanh gỗ rồi dùng búa đóng đều cho các mạch gỗ ăn khít vào nhau. Tuy nhiên, nên sử dụng búa chuyên dụng để đóng, tránh gây trầy xước sàn.
Trong nhiều trường hợp, sau khi lắp xong hoặc trong quá trình sử dụng, người dùng phát hiện sàn gỗ có những khe hở giữa các ván sàn, thông thường là các khe hở từ 3 - 5 mm ở đầu mỗi thanh gỗ. Hiện tượng này không gây bất tiện nhiều đến việc sử dụng sàn, tuy nhiên lại gây mất mỹ quan và tạo điều kiện cho nước, độ ẩm cũng như các chất độc hại ngấm vào bên trong làm giảm chất lượng sàn gỗ. Nguyên nhân dẫn đến lỗi này bởi trong quá trình lắp đặt, thợ thi công chưa đóng hết hèm khóa giữa 2 tấm gỗ liền nhau hoặc nhiệt độ trong phòng bị giảm đột ngột khiến sàn gỗ bị co lại. Đối với trường hợp này bạn chỉ cần tháo sàn gỗ ra và lắp lại là được.
Khi bạn đã xử lý cách hướng dẫn trên mà hiện tượng này vẫn chưa được khắc phục thì cần phải tháo sàn gỗ ra kiểm tra hèm khóa có ăn khớp vào nhau hay không. Nếu hèm khóa không ăn khớp vào nhau chứng tỏ bị lỗi hèm khóa do nhà sản xuất.
Hèm khóa cần được đóng chắn chắn tránh gây ra hiện tượng trôi hèm |
- Trước tiên phải vệ sinh sạch sẽ bụi bẩn, mảnh vụn, cát sạn trên sàn nhà.
- Lớp cốt nền phải được xử lý bằng phẳng trước khi trải xốp lót sàn. Độ ẩm tối thiếu có thể lắp sàn gỗ là 50%, tối đa là 75%.
- Lắp đặt sàn gỗ theo chiều ánh sáng để đảm bảo thẩm mỹ. Nên lắp đặt từ góc bên trái của phòng (Khi tháo lắp hoặc bảo hành sẽ dễ dàng hơn).
- Nếu bạn lát sàn gỗ cho không gian diện tích rộng thì nên sử dụng loại sàn gỗ có độ dày 12mm, như thế sẽ chắc chắn hơn.
- Cần lưu ý khoảng cách giữa tường và mép sàn gỗ sao cho phù hợp. Hèm khóa cần được đóng chắn chắn tránh gây ra hiện tượng trôi hèm.
- Tránh lắp đặt ván gỗ hoặc ốp tường gỗ ở những nơi ẩm ướt như: Nhà tắm, nhà bếp, khu vực ngoài trời. Nếu muốn lắp đặt sàn gỗ tại các vị trí nhạy cảm này thì nên chọn loại sàn gỗ nhân tạo hoặc có thể sử dụng sàn nhựa vân gỗ có khả năng chịu nước.
- Ngoài ra, để phòng tránh các lỗi thường gặp của sàn gỗ một cách hiệu quả nhất, người dùng nên chọn lựa sản phẩm sàn gỗ có chất lượng tốt, đáng tin cậy.
(Tổng hợp)