Wellness là khái niệm về “sức khỏe” nhìn từ góc độ mở rộng được WHO đưa ra trên phạm vi toàn cầu. Thuật ngữ này ngày càng trở nên thông dụng trong vài năm trở lại đây và là mục tiêu mà nhiều người theo đuổi. Nói một cách dễ hiểu, sức khỏe con người không đơn giản chỉ là sức khỏe thể chất, không có bệnh tật gì mà còn là sự cân bằng giữa sinh hoạt hàng ngày và vận động hợp lý nhằm tạo nên cuộc sống lành mạnh. Ngày nay, ý tưởng về sức khỏe còn được mở rộng vào nhà - nơi chúng ta dành nhiều thời gian nhất.
>> Xem thêm: “Xanh hóa” ngôi nhà để sống khỏe mạnh hơn
“Ngôi nhà khỏe mạnh” dù chưa được định nghĩa chính xác và thường mang tính chủ quan tùy theo quan điểm cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, tựu chung lại, một “ngôi nhà khỏe mạnh” phải là nơi nuôi dưỡng cơ thể, tâm trí và tâm hồn mỗi người. Yêu cầu thấp nhất của “ngôi nhà khỏe mạnh” có vài phương diện sau đây:
Cơ thể con người phản ứng với ánh sáng tự nhiên bằng cách giải phóng ra một loại hormone có tên gọi serotonin giúp cải thiện tâm trạng và tăng khả năng tập trung. Vì lẽ đó, những ngôi nhà thiếu ánh sáng tự nhiên sẽ khiến con người cảm thấy mệt mỏi, uể oải và chán nản.
Có khá nhiều cách đưa ánh sáng tự nhiên vào trong ngôi nhà của bạn. Hãy đảm bảo rằng mọi cửa sổ trong nhà không bị che chắn bởi cây cối hay nội thất, đặt gương đối diện với cửa sổ, lựa chọn những gam màu nhạt và ứng dụng bố cục mở để “mời gọi” ánh sáng ban ngày vào từng góc nhỏ trong ngôi nhà.
Gương giúp ánh sáng tự nhiên phân tán đều khắp không gian. Ảnh: DB Studio
Bên cạnh việc tối đa hóa ánh sáng ban ngày vào nhà, hãy thúc đẩy lưu thông không khí để cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Không gian sống sẽ trở nên trong lành hơn khi bạn mở toang cánh cửa chính, cửa sổ để để cho phép không khí tươi mới tuôn chảy khắp nhà.
Quạt treo tường và quạt hút mùi là lựa chọn không tồi cho một "ngôi nhà khỏe mạnh". Những thiết bị này sẽ giúp thúc đẩy lưu thông không khí trong những ngày lặng gió. Quạt treo tường có thể bao phủ một khoảng không gian rộng lớn, trong khi quạt hút mùi lại phù hợp với những khu vực có độ ẩm cao như phòng tắm hay nhà bếp.
Một chiếc quạt treo tường trong bếp có tác dụng thúc đẩy luân chuyển không khí trong nhà. Ảnh: Amoz Boon
Một cách để tạo nên không gian sống lành mạnh là thiết kế một hoặc nhiều khu vực cho phép bạn thư giãn và bình tâm lại. Đó có thể là một góc đọc sách ấm cúng, ghế ngồi bên cửa sổ để bạn thư giãn và lấy lại năng lượng hoặc một góc thiền tại ban công với những chiếc đệm ngồi êm ái.
Góc thư giãn yên bình bên khung cửa sổ. Ảnh: Authors
Góc thư giãn không nhất thiết phải phải quá rộng rãi hay tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của ngôi nhà mà chỉ cần được bài trí có chủ ý và đảm bảo sự riêng tư nhất định. Chắc hẳn bạn cũng muốn không gian đó thật thân thiện và luôn tỏa ra niềm vui. Vì thế, đừng quên trang bị thêm vài chiếc gối tựa, chăn mỏng hay viết vẽ câu trích dẫn yêu thích lên tường. Với danh sách dài bất tận những công việc cần làm trong đời, thật tuyệt khi có một nơi yên tĩnh trong nhà chỉ để hít thở và thư giãn. Bất kể là khi khởi đầu một ngày mới hay khi khi kết thúc một ngày làm việc bận rộn, bạn chỉ cần thu mình vào góc nhỏ đó vài phút để nạp lại năng lượng.
Tiếp xúc lâu dài với các vật liệu và sản phẩm độc hại có thể gây ra nhiều vấn đề bất lợi cho sức khỏe của con người. Một số chất độc hại phổ biến thường tồn tại trong nhà như các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) có ở sơn, vecni, keo hay formaldehyde thường có trong các vật liệu làm tủ bếp và phthalates thường được tìm thấy trong các sản phẩm tẩy rửa có mùi thơm.
Cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc, thành phần của các vật liệu, sản phẩm trước khi chọn mua. Ảnh: Icon Interior Design
Bạn nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc của từng vật liệu và sản phẩm trước khi chọn mua nhưng đừng để bị đánh lừa bởi nạn dịch “tẩy xanh” (greenwashing – hành động đánh lạc hướng người tiêu dùng liên quan đến những lợi ích về môi trường) hay các loại bao bì lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Thay vào đó, hãy chú ý đến các chứng nhận xanh như Nhãn xanh Singapore (Singapore Green Label) – được trao cho các sản phẩm đáp ứng những tiêu chí nhất định như khả năng kháng khuẩn, thân thiện với môi trường, an toàn với người sử dụng…
Rõ ràng những ngôi nhà thiếu ánh sáng tự nhiên đều cần được tăng cường ánh sáng nhân tạo. Nhưng ngay cả khi bạn đã được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên vào ban ngày thì ánh sáng nhân tạo vẫn rất quan trọng đối với những tác vụ nhất định, đặc biệt là vào ban đêm.
Đừng bỏ qua ánh sáng nhân tạo khi muốn tạo lập nên một không gian sống lành mạnh. Ảnh: Fuse Concept
Việc lựa chọn đúng loại nguồn sáng nhân tạo đóng vai trò rất quan trọng bởi nó có tác động tới sức khỏe của ngôi nhà. Lượng ánh sáng mà chúng ta nhận được với cường độ và nhiệt độ màu bao nhiêu có ảnh hưởng lớn đến cảm giác và thao tác của chúng ta.
Các lớp ánh sáng đan xen hài hòa trong nhà. Ảnh: Minimo |
Ánh sáng trong không gian là tổng hòa của nhiều lớp ánh sáng khác nhau. Có những loại đèn để chiếu sáng môi trường đơn thuần (ambient lighting), có loại đèn dành cho các tác vụ cụ thể (task lighting), có những loại đèn chỉ được sử dụng với mục đích trang trí (accent lighting). Theo nguyên tắc chung, cần lựa chọn ánh sáng môi trường trước – thường là đèn chùm – hỗ trợ chúng ta hoàn thành các tác vụ cơ bản. Với không gian dành cho các hoạt động cụ thể như học tập, bạn sẽ cần bổ sung thêm một lớp ánh sáng tác vụ. Đèn nhấn là lớp ánh sáng thứ ba trong hệ thống chiếu sáng nhân tạo trong ngôi nhà. Nó có nhiệm vụ làm nổi bật các điểm nhất định mà bạn muốn thu hút sự chú ý của mọi người vào đó. Hãy sử dụng thêm công tắc điều chỉnh độ sáng đèn nếu bạn đang tìm kiếm một giải pháp có thể đáp ứng nhiều nhu cầu chiếu sáng trong một không gian.
Thiếu ngủ thường xuyên không chỉ ảnh hưởng xấu tới tâm trạng mà còn dẫn tới suy giảm trí nhớ và sức khỏe, đó là lý do tại sao nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc lại đóng vai trò quan trọng đối với nền tảng sức khỏe. Nhằm đảm bảo cơ thể ngủ đủ giấc, hãy tập trung vào việc biến phòng ngủ thành một nơi trú ẩn yên bình, chỉ dành cho mục đích nghỉ ngơi.
Để làm được như vậy, trước tiên cần chọn đúng loại đệm. Thông thường, đệm cao su non rất tốt cho những người có thói quen nằm nghiêng khi ngủ, bởi đệm ôm theo đường cong cơ thể, làm hạn chế các điểm chịu áp lực, từ đó giúp người sử dụng đệm cảm thấy thoải mái hơn. Nếu bạn không bật điều hòa vào ban đêm, hãy lựa chọn đệm cao su tự nhiên để thúc đẩy lưu thông không khí và giúp cơ thể luôn cảm thấy mát mẻ.
Ngủ đủ giấc giúp duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì lẽ đó, phòng ngủ phải là nơi trú ẩn yên bình, chỉ dành cho mục đích nghỉ ngơi. Ảnh: Urban Habitat Design |
Vấn đề lựa chọn gối ra sao cũng rất quan trọng. Những người nằm ngửa khi ngủ nên chọn gối có phần gờ ở dưới để hỗ trợ cổ còn những người nằm nghiêng khi ngủ sẽ cần một chiếc gối bằng phẳng và chắc chắn hơn. Với ưu điểm mềm mịn, thoáng mát và nhẹ nhàng thì chăn, ga, vỏ gối làm từ vải cotton 100% chắc chắn là lựa chọn hoàn hảo nhất cho phòng ngủ.
Bên cạnh đó, nhằm biến phòng ngủ thành nơi thật sự tĩnh lặng cho mục đích nghỉ ngơi, nếu có thể, hãy bố trí phòng làm việc tách biệt hoàn toàn với phòng ngủ. Trong trường hợp bất khả kháng, do thiếu hụt không gian mà bạn phải "sáp nhập" phòng làm việc với phòng ngủ thì nên cân nhắc sử dụng thêm vách ngăn để tách biệt hai khu vực chức năng.
Các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh... không nên xuất hiện trong phòng ngủ vì ánh sáng phát ra từ các thiết bị này sẽ ức chế sự tiết ra melatonin, một loại hoóc-môn "nhắc nhở" chúng ta ngủ đúng giờ. Nguồn ánh sáng từ bên ngoài, chẳng hạn như đèn đường cũng gây ra hậu quả tương tự. Vì thế, lời khuyên dành cho bạn là nên đầu tư vào loại rèm chất lượng để ngăn cản ánh sáng không cần thiết từ bên ngoài.
Màu sắc ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trạng con người. Những gam màu nóng, bắt mắt như đỏ, cam thường gắn liền với sự vui tươi, sống động trong khi những gam màu nhẹ nhàng như xanh lá và xanh dương sẽ mang lại cảm giác yên bình. Con người cảm nhận màu sắc theo những cách rất khác nhau. Có những người thấy không gian toàn màu trắng thật yên bình, tĩnh lặng nhưng một số người lại cảm thấy không gian như vậy quá đơn điệu và thiếu cá tính.
Gam màu trung tính mang lại cảm giác êm dịu, thư thái. Ảnh: Starry Homestead
Do vậy, chỉ lựa chọn những gam màu mang lại cho bạn cảm giác yên bình mà không nhất thiết phải tuân theo một quy tắc nào. Đó có thể là màu hồng ấm áp hoặc màu xanh lá cây thanh bình. Những gam màu trung tính như taupe và xám được coi là lựa chọn an toàn với những ai không am hiểu về màu sắc. Những màu sắc tối như màu than thường gợi lên bầu không khí u buồn nhưng có thể tạo cảm giác ấm cúng, sang trọng khi được kết hợp cùng ánh sáng phù hợp.
Ăn uống chánh niệm là việc chúng ta chú tâm hơn đến cách thức, thời điểm ăn uống. Đó cũng là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh. Để thực hành ăn uống chánh niệm tại nhà, trước tiên, cần tạo nên những địa điểm ăn uống thích hợp, đó có thể là quầy ăn sáng nhỏ cạnh bếp hay một phòng ăn riêng biệt. Chỉ cần ghi nhớ không đặt TV hay bố trí bàn làm việc cạnh khu vực ăn uống để bản thân không bị phân tâm bởi thiết bị điện tử, tiếng ồn TV hay công việc.
Đảo bếp cũng có thể trở thành nơi lý tưởng để bạn thực hành ăn uống chánh niệm. Ảnh: Adroit ID
Luôn đặt bát, đĩa, thìa, nĩa ngay trong tầm với để bạn không bị cám dỗ bởi đồ ăn đến mức ăn ngày từ hộp đựng, đó là một cách ăn rất vội vã. Đồ dùng nên bày trong tủ kính trong suốt, nhờ vậy bạn sẽ biết vị trí chính xác của từng vật dụng ngay trong nháy mắt.
Cửa tủ bếp trong suốt cho phép bạn định vị chính xác từng vật dụng. Ảnh: Versaform
Khi lưu trữ đồ ăn trong tủ hay tủ lạnh, hãy sắp xếp sao cho thực phẩm luôn trong tầm mắt và trong tầm tay với để bạn có thể dễ dàng lấy các nguyên liệu mỗi khi nấu nướng hay khi muốn ăn nhẹ trước bữa tối. Đặt các thiết bị bếp như máy ép trái cây, máy xay sinh tố ở vị trí thuận tiện ngay trên mặt bàn bếp để khuyến khích bản thân ăn nhiều rau xanh và hoa quả hơn.
Một khía cạnh của sự khỏe mạnh trong ngôi nhà mà chúng ta thường hiếm khi nghĩ đến đó là sự thoải mái. Một ngôi nhà thoải mái chắc chắn là một "ngôi nhà khỏe mạnh". Có thể sử dụng các phụ kiện trang trí nhà như thảm, gối tựa, đệm hay những món nội thất tiện dụng, bất cứ thứ gì mang lại cảm giác thoải mái cho bạn mà không khiến ngôi nhà trở nên lộn xộn.
Không gian sống thoải mái với những món đồ nội thất mềm mại, êm ái. Ảnh: Lemonfridge Studio
Xét về trực quan, chắc hẳn bạn sẽ muốn “làm mềm” các góc cạnh trong không gian sống để bản thân thấy thoải mái, an toàn hơn. Nên lựa chọn những món đồ nội thất với những đường cong mềm mại thay vì những góc cạnh cứng nhắc. Hoặc bạn có thể kết hợp các đường nét sắc nhọn với những hình dạng tròn. Chọn vật liệu hữu cơ, có nguồn gốc tự nhiên như gỗ, da và mây cũng góp phần làm tăng cảm giác thoải mái ngay trong những không gian mang phong cách công nghiệp lạnh lẽo.
Khi muốn kiến tạo nên không gian sống lành mạnh, bên cạnh việc bố trí những góc riêng tư nơi các thành viên có thể thư giãn, suy tư một mình, bạn cũng cần chú ý tới những không gian chung nhằm khuyến khích mọi người tương tác, trò chuyện với nhau. Điều này được biết đến như một liệu pháp cải thiện sức khỏe tinh thần.
Vách kính tạo sự linh hoạt cho không gian. Ảnh: Cozyspace
Lối thiết kế mở, các phòng đa năng sẽ góp phần làm tăng tần suất gặp gỡ giữa những thành viên trong gia đình. Phòng khách có lẽ là không gian chung nhất, do vậy, hãy thiết kế, bố trí thật nhiều ghế ngồi tại đây phục vụ cho những cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa. Nếu nhà bạn có trẻ nhỏ, nên nghĩ tới thiết kế góc vui chơi ngay trong phòng khách cho phép cha mẹ và con cái tương tác với nhau nhiều hơn.
Minh Châu