Đan Phượng, Thành phố Hà Nội

Đan Phượng chuẩn bị những gì để sẵn sàng lên quận vào năm 2025

Đan Phượng là huyện có diện tích nhỏ nhất của Hà Nội, nằm ở phía Tây Bắc của trung tâm thành phố Hà Nội, tại khoảng giữa của trục đường quốc lộ 32 (trung tâm Hà Nội-TX. Sơn Tây). Huyện Đan Phượng có hệ thống sông Hồng và sông Đáy chảy qua. Trước kia nó chính là ngã ba sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ) nên địa hình của huyện tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đất phù sa, chiều cao trung bình là 6-8m.

Trong những năm qua, với lợi thế là một huyện ven đô huyện Đan Phượng đã không ngừng tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh này cho phát triển kinh tế-xã hội. Với quyết định được phê duyêt, xây dựng thành quận năm 2020-2025, huyện Đan Phượng đang cố gắng tiếp tục chỉ đạo triển khai kế hoạch, lộ trình thực hiện các tiêu chí chưa đạt để phấn đấu đưa huyện phát triển lên quận theo đúng dự kiến.

Huyện Đan Phượng đang khắc phục các vấn đề liên quan đến quy hoạch để chuẩn bị lên quận vào năm 2025.

Tập trung thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch xây dựng

Đan Phượng đặt mục tiêu phát triển trong tương lai theo hướng bền vững, trở thành quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị cao cấp, khu đô thị sinh thái, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe đồng thời vẫn giữ gìn được những nét đẹp truyền thống giàu lịch sử, văn hóa lâu đời.

Huyện xác định bước đi đầu tiên cần phải làm đó là đồng bộ công tác quy hoạch, quản lý các công trình được phê duyệt xây dựng phải chặt chẽ. Kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị với hạ tầng nông thôn hiện nay. Tăng cường rà soát, cải cách hành chính theo hướng phân cấp, đơn giản hóa công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, thẩm định bản đồ hiện trạng, cung cấp chỉ giới đường đỏ,…nâng cao hiệu quả và minh bạch hóa trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch từ huyện tới xã, thị trấn.

Đáng chú ý, đối với thị trấn Phùng và vùng phụ cận sẽ hình thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế thương mại, văn hóa, thể dục thể thao huyện Đan Phượng. Phát triển theo mô hình sinh thái mật độ thấp, mở rộng không gian về phía Đông Bắc và Tây Nam, gồm phần đất thuộc các xã Song Phượng, Đan Phượng, Thượng Mỗ, Tân Hội, kết nối với tuyến đường Tây Thăng Long…

Thực hiện đồng bộ quy hoạch sử dụng đất huyện Đan Phượng

Huyện Đan Phượng có tổng diện tích đất là 7.735,48ha. Trong đó khu vực phát triển đô thị khoảng 3.102,4ha, khu vực nông thôn khoảng 4.633,44ha. Cụ thể:

Khu vực phát triển đô thị: (gồm thị trấn Phùng và vùng phụ cận) có quy mô diện tích 579,41ha xác định phát triển thành khu đô thị công nghệ cao, mang tính chất sinh thái gắn với trục phát triển mới Tây Thăng Long, khu vực này sẽ đóng vai trò là trung tâm hỗ trợ phát triển vùng nông thôn.

Khu vực nông thôn:  khu vực này bao gồm dân cư hiện hữu gắn với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Quy hoạch trên nhằm mục đích phát triển nông thôn kết hợp với sinh thái nông nghiệp, đồng thời khuyến khích các phát triển không gian nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái nông nghiệp. Chẳng hạn như việc đưa khách đi thăm quan các vùng sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển nông thôn.

Đặc biệt, Đan Phượng đã cơ bản hoàn thành chủ trương cấp đất dịch vụ cho người dân. Việc cấp giấy chứng nhận QSĐ đất ở đã đạt 96%, đất nông nghiệp đạt 99%. Huyện đã tăng cường chỉ đạo công tác quản lý đất nông nghiệp, đất công, kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới.

Thực hiện đồng bộ quy hoạch giao thông huyện Đan Phượng

Hệ thống đường sắt:

Tuyến số 3: Trôi – Nhổn – Ga Hà Nội – Hoàng Mai (tổng chiều dài tuyến đường là: 26km được chia thành 26 ga) đang tiến hành thi công. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2023 bao gồm:

+ Đi trên cao đoạn Trạm Trôi – Cầu Giấy

+ Còn lại là đi ngầm

Đoạn qua huyện Đan Phượng sẽ bố trí 02 ga đường sắt tại thị trấn Phùng ở các khu vực tập trung đông người, trung tâm thị trấn.

Dự kiến đến năm 2020-2030 sẽ chạy trước một số điểm: đoạn 3.1: Nhổn- Ga Hà Nội (2023), đoạn 3.2: Ga Hà Nội – Hoàng Mai, đoạn 3.3: Nhổn – Trôi- Phùng.

Tuyến số 4: Mê Linh – Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy – Thượng Đình – Đường vành đai 2.5 – Cổ nhuế – Liền Hà (Tổng chiều dài tuyến đường là 54km) đi ngầm, hiện chưa thi công.

Mạng lưới tàu điện ngầm và đường sắt đô thị Hà Nội.

Hệ thống đường bộ

Đường vành đại 4: Tổng chiều dài toàn tuyến là 136.6m, mặt cắt đường rộng từ 90m -135m. Gồm 6 làn xe cao tốc và đường gom hai bên, hành lang để bố trí cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đường quốc lộ 32:  Là tuyến đường đi qua 4 tỉnh và thành phố: Hà Nội –  Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu có tổng chiều dài toàn tuyến là 384km.

Theo quy hoạch chi tiết của huyện Đan Phượng thì đoạn qua thị trấn Phùng có vai tròn là đường trục chính, quy mô mặt cắt ngang B=35m (4 làn xe cơ giới). Khu vưc nút giao giữa quốc lộ 32 và đường vành đại 4, quy mô mặt cắt ngang mở rộng từ 35m đến 50m để xây dựng cầu vượt, nút giao khác mức với đường vành vành đai 4.

Đường trục Tây Thăng Long: đường Tây Thăng Long hình thành từ lâu với mục đích nối Hà Nội với Hà Tây (cũ), chiều dài toàn tuyến là 33km, có mặt cắt rộng 60,5m và gồm 10 làn xe. Tuyến đường đi qua các quận, huyện, thị xã: quận Tây Hồ, quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng, huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây…Con đường nay đi vào hoàn thiện sẽ góp phần giảm tải cho đường quốc lộ 32 cũng như kết nối trung tâm Hồ Tây với các dự án lớn huyện Đan Phượng như: The Phonix Garden, Vinhomes Đan Phượng,,..

Các tuyến đường tỉnh, huyện

Tuyến đường 417: Nâng cấp Tỉnh lộ 417 đi qua 7 xã, thị trấn và được chia làm 2 giai đoạn, trong đó: giai đoạn 1 thi công 3,7km đường đi qua 3 xã: Đan Phượng, Phương Đình, Thọ Xuân huyện Đan Phượng dự kiến tháng 6/2020 đưa vào sử dụng. Nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp III với 2 đến 4 làn xe.

Tuyến đường tỉnh 419: (trên địa bàn huyện Phúc Thọ) tạo thêm trục kết nối theo hướng Bắc – Nam kết nối huyện Đan Phượng với các huyện, thị xã lân cận như: Phúc Thọ, Sơn Tây.

Tuyến đường 422 (từ xã Liên Hà đi xã Tân Lập huyện Đan Phượng): đoạn qua địa phận huyện Đan Phượng thuộc phạm vi phân khu đô thị S1, S2, GS sẽ được cải tạo, xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Các tuyến đường huyện (liên xã)

Theo quy hoạch sẽ được cải tạo, nâng cấp, xây mới đạt tiêu chuẩn đường cấp II, IV (2 đến 4 làn xe), kết hợp với hệ thống đường tỉnh tạo thành hệ thống giao thông chính trong huyện.  Bên cạnh đó liên kết các khu vực nông thôn với các thị trấn, trung tâm cụm xã và các khu vực du lịch, dịch vụ.

Các tuyến đường trong khu vực phát triển đô thị

Theo quy hoạch chi tiết huyện Đan Phượng thì các tuyến đường trong khu vực thị trấn Phùng và trong khu vực đô thị trung tâm phía Đông đường vành đai 4 được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị và được thực hiện theo các đồ án quy hoạch chung, phân khu đô thị được phê duyệt.

Phát triển huyện Đan Phượng trở thành đô thị hiện đại

Đại hội đại biểu lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ huyện Đan Phượng tiến hành phiên làm việc chính thức vào ngày 13-8. Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Phát triển”, đại hội đánh giá kết quả của nhiệm kỳ 2015-2020; đồng thời, quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển huyện trở thành đô thị hiện đại trong giai đoạn 2020-2025.

Đan Phượng đặt mục tiêu phấn đấu phát triển huyện thành quận trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Những thành tựu đáng tự hào

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Đan Phượng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII trong điều kiện có nhiều thuận lợi và đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong nhiệm kỳ qua, Huyện ủy Đan Phượng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ huyện Đan Phượng đã tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp xây dựng và nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

5 năm qua, kinh tế của Đan Phượng tiếp tục phát triển đồng bộ cả về quy mô và chất lượng, giữ vững tốc độ tăng trưởng bình quân 9,63%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản. Toàn huyện có 1.044 doanh nghiệp đang hoạt động, 1.771 hộ sản xuất tập trung tại 5 cụm công nghiệp, 7 làng nghề, với diện tích trên 90,6ha, thu hút hàng vạn lao động, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, tạo nguồn thu ngân sách bền vững. Thu nhập bình quân năm 2020 của Đan Phượng ước đạt 61,2 triệu đồng/người (gấp 2,1 lần so với năm 2015).

Về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong nhiệm kỳ qua, huyện đã huy động được hơn 2.597 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 646 công trình ở tất cả các lĩnh vực. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng của huyện được đầu tư tương đối đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường đầu tư thuận lợi; đồng thời nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Đặc biệt, công tác xây dựng nông thôn mới được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, với cách làm sáng tạo nên đã đạt kết quả nổi bật. Đến hết năm 2019, huyện có 9/15 xã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đan Phượng đang phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 100% số xã trong năm 2020. Cũng trong 5 năm qua, huyện đã đầu tư trên 600 tỷ đồng xây dựng các trường học. Đến nay, toàn huyện đã có 52/52 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 14 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Chiều 12-8, Đại hội đại biểu lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ huyện Đan Phượng, tiến hành phiên trù bị.

Dự phiên trù bị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong và 189 đại biểu đại diện cho hơn 6.500 đảng viên thuộc 40 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ huyện.  

Tại phiên trù bị, đại hội đã tiến hành bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua chương trình đại hội phiên chính thức, quy chế làm việc của đại hội...  

Xây dựng huyện thành quận

Phát huy truyền thống huyện anh hùng và kết quả xây dựng nông thôn mới, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Đan Phượng sẽ tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; huy động mọi nguồn lực xây dựng huyện sớm trở thành quận. 

Huyện sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, chú trọng phát triển kinh tế, làng nghề truyền thống, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời sẽ bổ sung và hoàn thiện các quy hoạch phù hợp với tiêu chí đô thị. Từ đó, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trọng tâm là hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước... Mặt khác, Đan Phượng tập trung phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Cùng với đó, Đan Phượng tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể...

Đảng bộ huyện Đan Phượng cũng đề ra 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025, đó là: Huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng tiêu chí quận; tạo thế và lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo dựng cảnh quan đô thị. Đồng thời, nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền; tập trung xây dựng chính quyền đô thị, tăng cường cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Huyện Đan Phượng cũng sẽ khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề có thế mạnh. Cùng với đó là huy động các nguồn lực đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, rác thải ở các cụm công nghiệp - làng nghề.

Bên cạnh nỗ lực, cố gắng của huyện, Đảng bộ và chính quyền huyện Đan Phượng mong muốn thành phố sớm triển khai các dự án đi qua địa bàn huyện như: Đường Tây Thăng Long, đường Vành đai 4, Vành đai 3,5 và các tuyến tỉnh lộ nhằm hoàn thiện và bảo đảm kết nối giao thông theo tiêu chí quận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát huy truyền thống huyện anh hùng và những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân Đan Phượng quyết tâm tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện, phát triển huyện thành quận trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Những thành tựu nổi bật của huyện Đan Phượng nhiệm kỳ 2015-2020

- Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 9,63%.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, công nghiệp - xây dựng chiếm 48,98%; thương mại - dịch vụ chiếm 45,14%; nông nghiệp - thủy sản chiếm 5,88%.

- Giá trị nông nghiệp, thủy sản đạt 371 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 1,25 lần so với năm 2015.

- Thu nhập bình quân năm 2020 ước đạt 61,2 triệu đồng/người/năm, gấp 2,1 lần năm 2015.

- Đến hết năm 2019, huyện có 9 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2020, huyện phấn đấu 6 xã còn lại đạt nông thôn mới nâng cao, chiếm 100% số xã.

- Toàn huyện có 52/52 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (vượt chỉ tiêu 3 trường), trong đó có 14 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

- Tổng thu ngân sách nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020 ước đạt 2.540 tỷ đồng, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân hàng năm đạt 13%.

- Kết nạp được 902 đảng viên mới, đạt 112,8% so với chỉ tiêu đề ra.

Một số chỉ tiêu chính giai đoạn 2020-2025

- Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất của một số ngành chủ yếu bình quân hằng năm trên 12%.

- Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ - thương mại: 48%; công nghiệp - xây dựng: 48%; nông nghiệp: 4%.

- Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 295 triệu đồng/ha/năm.

- Thu nhập bình quân phấn đấu đạt 95 triệu đồng/người/năm.

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không bao gồm thu tiền sử dụng đất): Từ năm 2021 phấn đấu tốc độ tăng bình quân hằng năm đạt 30% trở lên, đến cuối nhiệm kỳ, huyện tự cân đối thu chi ngân sách.

- 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội là 50%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 40%.

- Duy trì 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo tiêu chí mới.

- 93% Gia đình văn hóa, 99% làng, (thôn), 100% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa, 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, 15/15 xã trở lên đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới, xây dựng 2 tuyến phố văn minh đô thị.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 75%; hằng năm giải quyết việc làm mới cho 3.000 lao động.

- Huyện phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo.

- Duy trì 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

- Cơ bản các xã, thị trấn hoàn thành tiêu chí thành lập phường.

- Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: 100%.

- 100% rác thải được thu gom và vận chuyển về khu xử lý trong ngày.

- Tỷ lệ tổ chức Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm trên 90%.

- Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm trên 90%.

- Số đảng viên mới được kết nạp bình quân hằng năm: 200 đảng viên.


Khám phá khu vực

Bằng ứng dụng công nghệ hiện đại, chúng tôi có những thông tin sát và đúng nhất về thị trường. Hãy xem hướng dẫn toàn diện của chúng tôi về các vùng lân cận để tìm hiểu các điểm an cư mới nhất hoặc được yêu thích nhất trên khắp cả nước.

Quận Nam Từ Liêm, Thành Phố Hà Nội

Quận Nam Từ Liêm là một quận nằm ở phía Tây trung tâm thành phố Hà Nội, được nâng cấp thành quận trên cơ sở chia tách huyện Từ Liêm cũ. Theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050, quận Nam Từ Liêm là một trong những đô thị lõi, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại của thủ đô Hà Nội.

Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội

Quận Hoàng Mai nằm ở phía Đông Nam nội thành Hà Nội được thành lập và đi vào hoạt động từ 01/01/2004 theo Nghị định số 132/2003/NĐ-CP ngày 06/11/2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các quận Long Biên, Hoàng Mai, thành lập các phường trực thuộc quận Long Biên, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Click lên đầu trang