Thanh Trì, Hà Nội

Vị trí và ranh giới nghiên cứu quy hoạch Thanh Trì

Huyện Thanh Trì là huyện ngoại thành ở phía Nam Thủ đô Hà Nội có trung tâm là thị trấn huyện lỵ Văn Điển cách trung tâm thành phố khoảng 9,0km theo Quốc lộ 1A Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, được giới hạn như sau:

  • Phía Bắc giáp quận Hoàng Mai
  • Phía Tây giáp quận Thanh Xuân và Hà Đông.
  • Phía Đông giáp sông Hồng, huyện Gia Lâm và tỉnh Hưng Yên.
  • Phía Nam giáp huyện Thường Tín, huyện Thanh Oai.
Bản đồ quy hoạch huyện Thanh Trì Hà Nội

Vị trí huyện Thanh Trì trên bản đồ Hà Nội

Tính chất quy hoạch huyện Thanh Trì

Huyện Thanh Trì là huyện ngoại thành phía Nam Hà Nội, theo định hướng Quy hoạch chung Thủ đô là :

  • Khu vực phát triển đô thị phía Nam Thủ đô và là trung tâm hành chính – kinh tế – xã hội của huyện.
  • Khu vực tập trung các công trình đầu mối giao thông và hạ tầng kỹ thuật của quốc gia và thành phố.
  • Khu vực phát triển các cơ sở công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, các trung tâm dịch vụ, thương mại, đào tạo … của thành phố và địa phương và là khu vực tạo vành đai công viên, cây xanh sinh thái và nông nghiệp chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội.

Mục tiêu quy hoạch huyện Thanh Trì

Cụ thể hoá những định hướng phát triển đô thị theo Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, cập nhật và đề xuất điều chỉnh bổ sung quy hoạch một số khu chức năng trên địa bàn huyện, nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của huyện Thanh Trì theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phù hợp yêu cầu thực tế của huyện sau khi tách huyện.

  1. Định hướng quy hoạch phát triển các khu đô thị, các điểm dân cư nông thôn, các cơ sở: kinh tế, kỹ thuật đầu mối quốc gia và thành phố trên địa bàn huyện, nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân theo hướng đô thị hoá ổn định và bền vững.
  2. Định hướng phát triển không gian đô thị trên địa bàn huyện đến năm 2020 gồm: các khu vực phát triển công nghiệp, TTCN, làng nghề truyền thống, các khu hiện có cải tạo nâng cấp, bảo tồn tôn tạo, chuyển đổi chức năng, khu xây dựng mới, khu vực cấm xây dựng, khu vực dự kiến phát triển đô thị, phù hợp theo từng giai đoạn, gắn liền với chuyển đổi cơ cấu kinh tế lao động sang công nghiệp – TTCN và dịch vụ thương mại và nông nghiệp chất lượng cao.
  3. Xác định hệ thống các trung tâm: Hành chính, thương nghiệp dịch vụ công cộng, văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên cây xanh… Các trung tâm vùng, tiểu vùng kinh tế xã hội và thị tứ làng xã, làm hạt nhân đô thị hoá tại chỗ cho khu vực nông nghiệp nông thôn.
  4. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn huyện: Mạng lưới giao thông và đầu mối giao thông quốc gia và thành phố, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
  5. Định hướng quản lý không gian kiến trúc cảnh quan cho các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các tuyến phố chính, các trục không gian chính, hệ thống di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan môi trường sinh thái, không gian cây xanh, mặt nước và các điểm nhấn chính trong khu vực phát triển đô thị.

Khu vực phát triển đô thị: có tổng diện tích 2870,0ha gồm các khu chức năng:

Các khu trung tâm huyện Thanh Trì (có tổng diện tích: 79,76 ha)

Khu trung tâm hành chính – chính trị huyện cải tạo phát triển mới tại thị trấn Văn Điển các trung tâm công cộng cấp khu vực và khu ở; ở phía Nam huyện tại khu vực xã Liên Ninh, trên khu vực đường 1A, 1B và dọc đường 70 kết hợp xây dựng các ô đất có chức năng hỗn hợp.

Các trung tâm công cộng cấp đơn vị ở: bao gồm các công trình phục vụ cấp 1, được bố trí đảm bảo bán kính phục vụ cho người dân trong các đơn vị ở.

Hệ thống công trình thương mại, dịch vụ huyện Thanh Trì

Chuyển đổi nhà máy Pin và phân lân Văn Điển sang xây dựng một khu trung tâm, văn phòng, thương mại dịch vụ lớn, kết hợp giới thiệu sản phẩm (có quy mô khoảng: 18,4ha). Hoàn thiện chợ đầu mối, hệ thống chợ xã.

Hệ thống công trình Y tế, giáo dục huyện Thanh Trì

  • Nâng cấp xây dựng, cải tạo Bệnh viện huyện Thanh Trì, bệnh viện đường sắt, bệnh viện của Bộ Nông nghiệp …Triển khai các dự án xây dựng bệnh viện mới như: bệnh viện K, Viện Bỏng quốc gia (tại xã Tân Triều, Thanh Liệt), bệnh viện Quốc tế Hải Châu (tại xã Tứ Hiệp)…(có diện tích khoảng:17,96ha)
  • Nâng cấp 02 trường THPT hiện có (trường Ngô Thị Nhậm và Ngọc Hồi). Xây dựng mới 4 trường THPT tại các khu phát triển đô thị mới theo tiêu chuẩn. (có diện tích khoảng: 10,99ha). Hoàn thiện hệ thống trường học trong các khu vực dân cư hiện có, xây dựng mới các trường phổ thông trong các đơn vị ở mới theo quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Các khu công viên cây xanh, TDTT (có tổng diện tích khoảng: 506,21ha)

Xây dựng các khu công viên cửa ô phía Nam, tại Tân Triều – Đại Kim, khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, khu di tích lịch sử Ngọc Hồi…tại đầm Quang Lai (thị trấn Văn Điển) và tại Liên Ninh. Cải tạo, mở rộng hệ thống cây xanh dọc theo hai bên sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Hoà Bình.

Các khu dân cư huyện Thanh Trì

Các khu ở chủ yếu được phát triển trên cơ sở xây dựng các đơn vị ở gồm có: các khu dân cư nông thôn đô thị hoá, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật hiện đại theo tiêu chuẩn của khu đô thị mới (có diện tích khoảng 1418,6 ha)

Các khu công nghiệp kho tàng, cơ sở sản xuất: (có tổng diện tích khoảng: 214,01ha)

Các nhà máy xí nghiệp nằm trong khu vực phát triển đô thị gây ảnh hưởng môi trường đối với khu dân cư như: Pin Văn Điển, phân lân Văn Điển, giấy Trúc Bạch, sơn tổng hợp…cần sớm có kế hoạch di chuyển và chuyển đổi chức năng sử dụng đất. Trước mắt cần có biện pháp kiểm soát được môi trường-chất thải (nước thải, khí thải…).

Xây mới các khu công nghiệp vừa và nhỏ, hoàn thiện, mở rộng cụm công nghiệp Liên Ninh – Ngọc Hồi, xây dựng mới cụm công nghiệp quy mô vừa và nhỏ phục vụ cho phát triển kinh tế địa phương tại khu vực xã Đại áng – Ngọc Hồi với điều kiện phải đảm bảo về môi trường theo quy định.

Các khu hỗn hợp, dịch vụ văn phòng, đào tạo: (có tổng diện tích khoảng:176,59 ha)

Cải tạo nâng cấp, xây dựng mới các khu hỗn hợp, cơ quan, văn phòng, thương mại dịch vụ nằm dọc trục quốc lộ 1A, trục đường 70, cao tầng hiện đại, tạo bộ mặt đô thị, khuyến khích chức năng đào tạo, dạy nghề dọc trục đường 70.

Xây mới một số cơ sở đào tạo trong các khu đô thị mới và các trường đào tạo dạy nghề, trường cao đẳng…tại các khu đô thị mới Cầu Bươu, Tứ Hiệp, Liên Ninh.

Khu vực ngoài đô thị huyện Thanh Trì

Vùng ngoài đê sông Hồng: Diện tích 1.161,1 ha

  • Khu làng xóm, dân cư nông thôn: Cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng xã hội, các khu làng nghề, khu nông nghiệp chất lượng cao để sản xuất rau sạch cung cấp cho thành phố khu vực ngoài bãi sông Hồng, tại các xã Yên Mỹ, Duyên Hà… xây dựng các khu công viên cây xanh, vui chơi giải trí, TDTT và cây xanh sinh thái nông nghiệp chất lượng cao.
  • Khai thác tiềm năng về đất đai và cảnh quan thiên nhiên vùng ven sông Hồng, tổ chức các khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, phù hợp với quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội và tuân thủ Luật Đê điều.

Vùng nằm trong đê huyện Thanh Trì: Diện tích 2.261,63ha

  • Xây dựng 2 trung tâm tiểu vùng tại xã Tả Thanh Oai, Đông Mỹ, và thị tứ Đại áng, có các công trình công cộng, các cơ sở sản xuất TTCN, chế biến nông sản…
  • Khu vực làng xóm, dân cư nông thôn: cải tạo, nâng cấp chỉnh trang theo hướng hiện đại kết hợp truyền thống và bổ sung khu dân cư mới phục vụ dãn dân, phi nông nghiệp.
  • Tổ chức các khu TTCN – làng nghề tại các xã Hữu Hoà, Tả Thanh Oai, Đông Mỹ, Đại áng, Liên Ninh.
  • Tại khu vực có địa hình trũng tại các xã Đại áng, Tả Thanh Oai phát triển nông nghiệp chất lượng cao và các dự án: công viên cây xanh du lịch và nghỉ ngơi giải trí, tạo vành đai sinh thái cho Thủ đô, kết hợp hệ thống hồ điều hoà thoát nước thành phố, nuôi trồng thuỷ sản.

Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan huyện Thanh Trì

Dựa trên tổng thể không gian chung đô thị khu vực cửa ngõ phía Nam Thành phố, toàn địa bàn huyện Thanh Trì được tổ chức như sau:

  1. Trục không gian đô thị chính được hình thành trên hướng trục 1A gắn kết với trục đường 70. Tại đây được tổ hợp các khu chức năng công cộng, hỗn hợp, các trung tâm chính cấp thành phố và khu vực với chiều cao và quy mô lớn tại các khu vực có không gian lớn và tầm nhìn đẹp để hình thành bộ mặt kiến trúc chung cho đô thị và trên địa bàn huyện.
  2. Các vùng cây xanh lớn, tập trung được kết hợp với các yếu tố cây xanh, mặt nước hài hoà làm chủ đạo gắn kết với các chức năng du lịch, công viên sinh thái, vui chơi giải trí và dịch vụ được hình thành ở phía Tây (khu vực Tả Thanh Oai và Đại áng), khu vực phía Đông (khu vực Đông Mỹ và phần bãi sông Hồng sau khi trị thuỷ).
  3. Các khu dân cư làng xóm được tổ chức trên cơ sở làng xóm hiện có gắn với các Trung tâm tiểu vùng làm hạt nhân để phát triển, tại các khu vực này, hạn chế tầng cao và mật độ xây dựng lớn để giữ được nét đẹp truyền thống. Các trung tâm tiểu vùng có thể xây dựng lớn hơn để tạo điểm nhấn chung cho khu vực (Tả Thanh Oai, Đại áng, Liên Ninh, Đông Mỹ).
  4. Các khu đô thị mới được hình thành dọc theo các trục 1A-1B-70 gắn kết hài hoà với hệ thống trung tâm công cộng và các khu vực dân cư làng xóm tạo thành những quần thể kiến trúc đặc trưng ở cửa ngõ phía Nam thành phố.
  5. Hình thành các công viên Thanh Liệt, Bắc Tả Thanh Oai, Nam Yên Sở, Tam Hiệp…gắn kết với hệ thống sông hồ khu vực tạo thành hệ thống liên hoàn cải thiện vi khí hậu và phục vụ tốt cho nhu cầu sử dụng của người dân.

Các công trình giao thông đầu mối quốc gia và thành phố

Đường thuỷ : Xây dựng cảng du lịch tại khu vực xã Yên Mỹ và Vạn Phúc để khai thác tuyến du lịch đường thuỷ dọc sông Hồng.

Đường sắt:

  • Tuyến đường sắt Bắc – Nam: từ ga Ngọc Hồi vào trung tâm thành phố được xây dựng, cải tạo thành đường đôi, khổ đường 1435/1000mm (sử dụng kết hợp giữa đường sắt Quốc gia và đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi). Xây dựng và cải tạo ga Văn Điển là ga đường sắt đô thị.
  • Xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông, đường sắt đôi, khổ đường 1435mm. Hướng tuyến thực hiện theo Quy hoạch phát triển giao thông Vận tải thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 9/7/2008 và thực hiện theo dự án riêng.
  • Xây dựng ga Ngọc Hồi có chức năng là ga đầu mối của tuyến đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi và đường sắt Quốc gia.
  • Hướng tuyến và vị trí của các tuyến đường sắt Quốc gia, đường sắt đô thị và ga trên địa bàn huyện Thanh Trì sẽ được xây dựng, cải tạo và xác định cụ thể theo dự án riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đường bộ :

  • Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A (cũ) là tuyến đường chính đô thị hướng tâm phía Nam thành phố, mặt cắt ngang điển hình rộng B = 46m (quy mô 6 làn xe cơ giới, 4 làn xe thô sơ, vỉa hè và các dải phân cách).
  • Cải tạo, mở rộng đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (quốc lộ 1 mới), quy mô 6 – 8 làn xe cao tốc, chiều rộng mặt cắt ngang 70m – 90m, tại những đoạn đi qua khu vực phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn xây dựng đường gom hai bên (dự án cải tạo, mở rộng tuyến đường này được thực hiện theo dự án riêng).
  • Đường vành đai 3: là đường cao tốc đô thị (phía Bắc huyện Thanh Trì), mặt cắt ngang điển hình rộng 68m bao gồm 6 – 8 làn xe cao tốc, 4 làn đường gom, vỉa hè và các dải phân cách và hành lang tuyến đường sắt đô thị đi trene cao rộng 5m (Hành lang xây dựng tuyến đường sắt đô thị trên đường Vành đai 3 có thể điều chỉnh và sẽ được nghiên cứu, xác định theo dự án riêng).
  • Đường Hữu Hoà – Vĩnh Quỳnh – Ngũ Hiệp -Cầu Thanh Trì: Hướng tuyến, chức năng, quy mô của tuyến đường này xác định theo Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2020 và xa hơn. Quy mô, chức năng, hướng tuyến của tuyến đường này sẽ được xem xét điều chỉnh phù hợp và được thực hiện theo dự án riêng.
  • Xây dựng, cải tạo, mở rộng đường 70: là đường chính đô thị, mặt cắt ngang rộng 50m (4 làn xe cơ giới, 4 làn xe thô sơ, vỉa hè và các dải phân cách).
  • Xây dựng tuyến đường chính đô thị nối đường vành đai 3 và đường Hữu Hoà – Vĩnh Quỳnh – Ngũ Hiệp – Cầu Thanh Trì (đi qua phía Đông bãi ăng ten Triều Khúc mặt cắt ngang rộng 53,5m (6 làn xe cơ giới, 4 làn xe thô sơ, vỉa hè và các dải phân cách).
  • Xây dựng các nút giao thông khác mức, bao gồm:
  • Nút giao giữa tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Hữu Hoà – Vĩnh Quỳnh – Ngũ Hiệp – Cầu Thanh Trì.
  • Nút giao giữa đường 70 với quốc lộ 1A cũ và tuyến đường sắt Ngọc Hồi – ga Hà Nội.
  • Nút giao giữa đường Hữu Hoà – Vĩnh Quỳnh – Ngũ Hiệp – Cầu Thanh Trì với quốc lộ 1A cũ tuyến đường sắt Ngọc Hồi – ga Hà Nội.
  • Nút giao giữa đường 70 với đường Tôn Thất Tùng – Kim Giang kéo dài (B =53,5m).

Các tuyến đường tại khu vực phát triển đô thị huyện Thanh Trì

Xây dựng các tuyến đường tại các khu vực phát triển đô thị có 6 làn xe và 4 làn xe:

  • Tuyến đường trục trung tâm khu vực Liên Ninh – Ngọc Hồi: có hướng Đông – Tây mặt cắt ngang điển hình rộng 50m (6 làn xe, vỉa hè và dải phân cách).
  • Đường phía Đông ga Ngọc hồi: có mặt cắt ngang rộng 40m (6 làn xe, vỉa hè và dải phân cách).

Các tuyến đường quy mô 4 làn xe có mặt cắt ngang rộng 30m, 27m và 25m (lòng đường rộng 15m, hè hai bên rộng 5 -7,5m).

Xây dựng các tuyến đường nội bộ và đường chính khu vực trong các khu, cụm công nghiệp có mặt cắt ngang rộng 13,5m; 17,5m; 21,25m và 35m, sẽ được cụ thể hoá ở bước lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 và 1/500.

Xây dựng và cải tạo mở rộng các tuyến tỉnh lộ và một số tuyến đường quan trọng khác của huyện Thanh Trì

  • Đường 70B cải tạo mở rộng trên cơ sở đường hiện có, mặt cắt ngang rộng 17,5m.
  • Đường đê sông Hồng được cải tạo nâng cấp thành đường cấp III đồng bằng, mặt đường rộng khoảng 7 – 11m.
  • Tuyến đường phía Đông mương Hoà Bình mặt cắt ngang 21,25m.
  • Tuyến đường Liên Ninh – Đại áng – Tả Thanh Oai (nối quốc lộ 1 cũ với tuyến đường dọc theo mương Hoà Bình), mặt cắt ngang rộng khoảng 30m.
  • Tuyến đường hai bên sông Tô Lịch mặt cắt ngang rộng 13,5 -17,5m, lòng đường rộng 7,5m, hè hai bên rộng 3¸5m.

Giao thông công cộng huyện thanh trì

Xây dựng các tuyến đường sắt đô thị :

  • Tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi.
  • Tuyến Hà Nội – Hà Đông.
  • Trên đường vành đai 3: đường sắt đô thị dự kiến trên đường Vành đai 3 có thể nghiên cứu xây dựng trên tuyến đường 2,5.
  • Xây dựng các tuyến xe buýt công cộng:
  • Tuyến xe buýt nhanh, khối lượng lớn (BRT) trên quốc lộ 1 cũ, đường Nguyễn Trãi và đường 70.
  • Các tuyến đường sắt đô thị, BRT sẽ được nghiên cứu xác định cụ thể theo dự án riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Các bến bãi đỗ xe và các công trình phục vụ giao thông huyện Thanh Trì

  • Xây dựng các ga ra, bãi đỗ xe đô thị: Trong các khu cây xanh, hành lang kỹ thuật, gần các nút giao thông chính, phân tán trong các Khu đô thị mới, Khu công nghiệp, Trung tâm dịch vụ, thương mại… phù hợp với diện tích, mật độ dân số, tính chất của các khu quy hoạch xây dựng và cải tạo mở rộng tổng diện tích chiếm khoảng 1- 4% quỹ đất đô thị
  • Xây dựng các bến bãi đỗ xe và các công trình phục vụ giao thông chính: bến xe tải Ngũ Hiệp, điểm đầu cuối xe buýt Liên Ninh, điểm đầu cuối xe buýt Thanh Liệt, bãi đỗ xe phía Tây ga Ngọc Hồi…tổng diện tích khoảng 42,95 ha

 

Khám phá khu vực

Bằng ứng dụng công nghệ hiện đại, chúng tôi có những thông tin sát và đúng nhất về thị trường. Hãy xem hướng dẫn toàn diện của chúng tôi về các vùng lân cận để tìm hiểu các điểm an cư mới nhất hoặc được yêu thích nhất trên khắp cả nước.

Quận Nam Từ Liêm, Thành Phố Hà Nội

Quận Nam Từ Liêm là một quận nằm ở phía Tây trung tâm thành phố Hà Nội, được nâng cấp thành quận trên cơ sở chia tách huyện Từ Liêm cũ. Theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050, quận Nam Từ Liêm là một trong những đô thị lõi, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại của thủ đô Hà Nội.

Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội

Quận Hoàng Mai nằm ở phía Đông Nam nội thành Hà Nội được thành lập và đi vào hoạt động từ 01/01/2004 theo Nghị định số 132/2003/NĐ-CP ngày 06/11/2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các quận Long Biên, Hoàng Mai, thành lập các phường trực thuộc quận Long Biên, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Click lên đầu trang