Quận Nam Từ Liêm, Thành Phố Hà Nội

Quận Nam Từ Liêm 

HNP - Nam Từ Liêm là một quận nằm ở phía Tây trung tâm thành phố Hà Nội, được nâng cấp thành quận trên cơ sở chia tách huyện Từ Liêm cũ. Theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050, quận Nam Từ Liêm là một trong những đô thị lõi, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại của thủ đô Hà Nội.

Trụ sở: HĐND - UBND quận Nam Từ Liêm


Thông tin chung
 
- Đơn vị: Quận ủy-HĐND-UBND quận Nam Từ Liêm
- Địa chỉ: 125 đường Hồ Tùng Mậu, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: 024.38372950            Email: vanthu_namtuliem@hanoi.gov.vn
- Diện tích đất tự nhiên: 3.227,36ha (32,27km²)
- Dấn số: 232.894 người (năm 2013).
 
- Các đơn vị hành chính 10 phường gồm: Cầu Diễn, Đại Mỗ, Mễ Trì, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Phú Đô, Tây Mỗ, Phương Canh, Trung Văn, Xuân Phương.
 
- Về địa giới hành chính quận Nam Từ Liêm: Phía Đông giáp quận Thanh Xuân và Cầu Giấy; Phía Tây giáp huyện Hoài Đức; Phía Nam giáp quận Hà Đông; Phía Bắc giáp quận Bắc Từ Liêm.
 
Lịch sử hình thành và phát triển
 
Trong lịch sử, ở thời Trần, Từ Liêm là một trong hai huyện của phủ Đông Đô hay lộ An Nam La Thành. Đến thời Lê, Từ Liêm là một trong năm huyện của phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Năm 1831 là một trong ba huyện của phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Từ năm 1888 đất Từ Liêm thuộc phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông và tên huyện Từ Liêm bị bỏ. Đến năm 1961 được lập lại huyện Từ Liêm. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc dưới các triều đại theo các thể chế quản lý nhà nước khác nhau, địa giới hành chính của huyện Từ Liêm tuy có thay đổi nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên địa danh, địa giới cho đến năm 2013. Và cũng từ đó, tên gọi có lúc khác nhau nhưng mảnh đất này phần lớn vẫn là vùng ngoại thành Hà Nội.
 
Ngày 27/12/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Nghị quyết số 132/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm cũ để thành lập 02 quận (Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm). Theo Nghị quyết thành lập quận Nam Từ Liêm trên cơ sở toàn bộ diện tích đất tự nhiên và dân số của 5 xã: Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ; một phần diện tích đất tự nhiên và dân số của xã Xuân Phương (536,34ha và 34.052 nhân khẩu phần phía Nam quốc lộ 32); một phần diện tích đất tự nhiên và dân số của thị trấn Cầu Diễn (137,75ha và 23.279 nhân khẩu phần phía Nam quốc lộ 32 và phía Đông sông Nhuệ). Sau khi thay đổi địa gới hành chính quận Nam Từ Liêm gồm có 10 phường và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/4/2014. Đó là mốc thời gian đánh dấu sự chuyển đổi bước ngoặt của một địa bàn mang tính chất nông thôn sang địa bàn mang tính chất đô thị với sự thay đổi toàn diện trong phương thức tổ chức, quản lý đời sống kinh tế - xã hội.
 
Với một quận non trẻ nhưng Nam Từ Liêm có tốc độ đô thị hóa nhanh và phát triển mạnh mẽ nhất trong các quận, huyện thuộc Thành phố, với nhiều dự án trọng điểm đã và đang được triển khai. Nhiều công trình kiến trúc hiện đại và quan trọng của thủ đô Hà Nội như: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Hanoi Landmark Tower, Bảo tàng Hà Nội, Đại lộ Thăng Long, Trung tâm đào tạo thể dục, thể thao, VĐV Cấp cao Hà Nội,... 
 
Cùng với đó, quận xây dựng môi trường sống, làm việc an toàn, trong sạch, môi trường đầu tư hấp dẫn; không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đây cũng chính là những yếu tố căn bản để xây dựng quận Nam Từ Liêm trở thành “đô thị đáng sống” - một nấc phát triển cao của “đô thị văn minh, hiện đại”.
 
Văn hóa, di tích, danh thắng
 
Là một phần của vùng đất Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, mang đặc trưng của nền văn minh sông Hồng rực rỡ và gắn liền với những thăng trầm lịch sử của đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nhân dân Từ Liêm nói chung, nhân dân quận Nam Từ Liêm nói riêng có lòng yêu nước nồng nàn, bản chất cần cù, sáng tạo, trong lịch sử luôn có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Thủ đô, đất nước.
 
Đình Mễ Trì Hạ nơi thờ thần Cao Sơn, Quý Minh và Lý Nam Đế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ngày 12/01/1958 
 
Về di tích, quận Nam Từ Liêm là nơi có hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, nổi bật với các di tích như: đình Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2; Chùa làng Mễ Trì Thượng, đình Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì; đình Miêu Nha, phường Tây Mỗ; chùa Tu Hoàng, Thị Cấm, Hòe Thị, phường Xuân Phương; miếu Nguyên Xá và cụm di tích nhà thờ họ Nguyễn Quý, phường Đại Mỗ… Hầu hết các di tích lịch sử văn hóa ở quận Nam Từ Liêm gắn liền với các tục thờ các danh nhân, những người có công với đất nước, các vị thánh nhân, tổ nghề, phúc thần của cư dân trong vùng. Như tại đình Hòe Thị, Thị Cấm, phường Xuân Phương thờ tướng Phan Tây Nhạc thời Hùng Vương thứ 18, các đình làng Ngà phường Tây Mỗ thờ vua Lý Bí; đình làng Tây Mỗ, phường Tây Mỗ mang phong cách thế kỷ XIX, thờ các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng là Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương, những người đã đứng ra chiêu mộ quân ở vùng Từ Liêm nổi dạy khởi nghĩa, cụm di tích phường Đại Mỗ bao gồm đình Lạc Thọ, miếu vườn chùa, miếu nhà Cảnh, nhà thờ họ thờ các danh nhân quê hương là Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân, Nguyễn Quý Kính… đền Phú Thứ, phường Tây Mỗ thờ bà tổ nghề thiếc Hồng Đồng bạch Tính Tiên Thánh... Nhờ vào truyền thống văn hóa được bồi đắp từ thế hệ trước tới các thế hệ sau mà các di tích ở quận Nam Từ Liêm luôn là điểm nhấn của thủ đô Hà Nội, nơi lưu giữ nhiều những giá trị nghệ thuật truyền thống của cha ông.
 
Đặc biệt, đình Mễ Trì Hạ nơi thờ thần Cao Sơn, Quý Minh và Lý Nam Đế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ngày 12/01/1958 và nói chuyện tại sân đình với hơn 200 đại biểu của các xã ngoại thành, động viên nông dân tích cực sản xuất và tặng huy hiệu cho một số người có thành tích xuất sắc. Tại đây, Người đã dịch và cắt nghĩa các câu chữ trên bức hoành phi câu đối cho cán bộ các xã ngoại thành đến họp về việc chống hạn nghe. Người xem xét căn dặn các cụ phụ lão và cán bộ cần bảo quản ngôi đình quý giá này... Nhân dân Mễ Trì về sau đã dựng tượng Hồ Chủ tịch và lập ban thờ. Ngày 22/4/199, đình đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
 
Phát huy những truyền thống tốt đẹp đó, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân quận Nam Từ Liêm đang vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước xây dựng quê hương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp chung của thủ đô Hà Nội và đất nước.
 

Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 quận Nam Từ Liêm

Quyết định phê duyệt: Tải về

Thông báo công khai: Tải về

Công văn triển khai: Tải về

Bản đồ: Tải về

Khám phá khu vực

Bằng ứng dụng công nghệ hiện đại, chúng tôi có những thông tin sát và đúng nhất về thị trường. Hãy xem hướng dẫn toàn diện của chúng tôi về các vùng lân cận để tìm hiểu các điểm an cư mới nhất hoặc được yêu thích nhất trên khắp cả nước.

Quận Nam Từ Liêm, Thành Phố Hà Nội

Quận Nam Từ Liêm là một quận nằm ở phía Tây trung tâm thành phố Hà Nội, được nâng cấp thành quận trên cơ sở chia tách huyện Từ Liêm cũ. Theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050, quận Nam Từ Liêm là một trong những đô thị lõi, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại của thủ đô Hà Nội.

Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội

Quận Hoàng Mai nằm ở phía Đông Nam nội thành Hà Nội được thành lập và đi vào hoạt động từ 01/01/2004 theo Nghị định số 132/2003/NĐ-CP ngày 06/11/2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các quận Long Biên, Hoàng Mai, thành lập các phường trực thuộc quận Long Biên, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Click lên đầu trang